Luật việt vị (offside) trong bóng đá ra đời vào năm 1863, khi Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) hệ thống hóa các quy tắc của môn thể thao này. Nhờ vậy, bóng đá trở thành bộ môn trí tuệ và hấp dẫn.
Sự ra đời của luật việt vị không phải là một sự kiện ngẫu nhiên mà là kết quả của các yếu tố lịch sử, xã hội và nhu cầu tổ chức bóng đá một cách đẹp mắt và hấp dẫn hơn. Thưở ban đầu, bóng đá ở Anh cũng như trên khắp thế giới chủ yếu tồn tại dưới dạng các trò chơi dân gian (mob football), diễn ra giữa các ngôi làng hoặc cộng đồng. Những trận đấu này không có luật thống nhất, thường hỗn loạn và bạo lực, với số lượng người chơi không giới hạn. Một vấn đề phổ biến là nhiều cầu thủ chỉ đứng gần mục tiêu đối phương (như cổng làng hoặc cột mốc) để chờ bóng, khiến trận đấu thiếu công bằng và kém hấp dẫn.
Sự ra đời của luật việt vị
Từ thế kỷ 18, các trường công lập danh tiếng ở Anh (như Eton, Harrow, Winchester, Rugby) phát triển các phiên bản bóng đá riêng, với luật chơi khác nhau. Một số trường bắt đầu áp dụng các quy tắc để ngăn cầu thủ đứng gần khung thành đối phương mà không tham gia vào lối chơi, như yêu cầu cầu thủ phải ở phía sau bóng (ví dụ: luật tại Winchester). Tuy nhiên, các quy tắc này không thống nhất, gây khó khăn khi các trường thi đấu với nhau.
Vào thế kỷ 19, quá trình công nghiệp hóa ở Anh thúc đẩy sự phát triển của các câu lạc bộ thể thao và nhu cầu giải trí có tổ chức. Bóng đá trở thành môn thể thao phổ biến trong tầng lớp trung lưu và lao động, nhưng sự khác biệt trong luật chơi giữa các vùng và trường học khiến việc tổ chức các trận đấu liên khu vực trở nên bất khả thi. Điều này tạo áp lực phải tạo ra một bộ luật chung.
Đến giữa thế kỷ 19, các câu lạc bộ bóng đá và đại diện từ các trường học nhận thấy cần một bộ luật chung để tổ chức các trận đấu chính thức. Năm 1863, một nhóm các nhà giáo dục, luật sư, và thành viên câu lạc bộ bóng đá ở London tổ chức một loạt cuộc họp tại Freemasons’ Tavern để thành lập Hiệp hội Bóng đá Anh (FA).
Một trong những vấn đề được thảo luận là cách ngăn chặn cầu thủ chỉ đứng gần khung thành đối phương để chờ bóng, hành vi được coi là “không công bằng” và làm giảm tính chiến thuật của trận đấu. Các đại diện nhận thấy cần một quy tắc để buộc cầu thủ tấn công phải di chuyển đồng bộ với bóng và vượt qua hàng thủ đối phương.

Khi xây dựng bộ luật FA năm 1863, các nhà soạn thảo muốn: Thứ nhất, đảm bảo tính công bằng: Ngăn cầu thủ tấn công lợi dụng việc đứng chờ gần khung thành để ghi bàn dễ dàng. Thứ hai, khuyến khích chiến thuật: Buộc các đội phải xây dựng lối chơi phối hợp, với sự di chuyển của cầu thủ và bóng, thay vì chỉ dựa vào sức mạnh thể chất hoặc các pha bóng dài. Thứ ba, tăng tính hấp dẫn: Tránh các tình huống lặp đi lặp lại, nơi một đội chỉ cần chuyền bóng cho cầu thủ đứng sẵn gần khung thành.
Luật việt vị không tự trên trời rơi xuống bàn các nhà soạn luật năm đó mà được xây dựng dựa trên các quy định sơ khai tại một số trường học, đặc biệt là Winchester và Sheffield Rules (một bộ luật bóng đá khác được sử dụng ở miền Bắc Anh). Ví dụ: Theo luật Winchester, cầu thủ phải ở phía sau bóng để tham gia tấn công, tương tự khái niệm kiểm soát vị trí. Hay Sheffield Rules (1858) yêu cầu cầu thủ không được đứng trước bóng và gần khung thành đối phương hơn mọi hậu vệ, một tiền thân trực tiếp của luật việt vị.
Trên cơ sở đó, trong bộ luật FA đầu tiên năm 1863, luật việt vị được quy định như sau: Một cầu thủ bị coi là việt vị nếu đứng trước bóng và gần khung thành đối phương hơn so với bất kỳ hậu vệ nào (bao gồm thủ môn) khi bóng được chuyền; Cầu thủ ở vị trí việt vị sẽ bị phạt nếu tham gia vào tình huống chơi bóng.
Quá trình tiến hóa
Luật việt vị năm 1983 sau khi ra đời đã buộc các đội phải tổ chức tấn công một cách chiến thuật hơn, với các pha phối hợp và di chuyển để vượt qua hàng thủ đối phương. Điều này đặt nền móng cho các đội hình hiện đại, như phân chia giữa hậu vệ và tiền đạo. Sự ra đời của luật việt vị củng cố bản sắc của bóng đá dùng chân, tách biệt hoàn toàn với rugby (cho phép cầm bóng) và các môn thể thao khác. Nó cũng giúp bóng đá FA lan rộng ra quốc tế, trở thành môn thể thao thống trị.
Tuy nhiên, luật việt vị ban đầu bị coi là quá nghiêm ngặt, khiến các pha tấn công dễ bị gián đoạn. Nhiều đội tiếp tục sử dụng chiến thuật chuyền dài để tránh vi phạm, làm giảm tính hấp dẫn của trận đấu. Chính vì vậy, các nhà làm luật phải tiếp tục điều chỉnh
Sửa đổi năm 1866
Năm 1866, FA sửa đổi luật việt vị để khuyến khích lối chơi tấn công hơn: Một cầu thủ chỉ bị coi là việt vị nếu đứng trước bóng và có ít hơn ba cầu thủ đối phương (bao gồm thủ môn) giữa mình và khung thành đối thủ.
Quy tắc này mở đường cho các pha phối hợp tấn công, nhưng vẫn yêu cầu cầu thủ tấn công phải tính toán cẩn thận để tránh bị thổi phạt.
Sửa đổi quan trọng năm 1925
Đầu thế kỷ 20, các đội bóng thường sử dụng chiến thuật phòng ngự chặt, với nhiều hậu vệ đứng sâu, khiến các pha tấn công dễ bị thổi việt vị. Điều này làm giảm tính hấp dẫn của trận đấu, với số bàn thắng trung bình giảm đáng kể (ví dụ: mùa giải 1924-1925 ở Anh, số bàn thắng giảm mạnh).
Sửa đổi luật: Năm 1925, FA và Ủy ban Bóng đá Quốc tế (IFAB) sửa đổi luật việt vị: Số lượng cầu thủ đối phương cần thiết giữa cầu thủ tấn công và khung thành giảm từ ba người xuống hai người (thường là một hậu vệ và thủ môn).
Luật này khuyến khích lối chơi tấn công, dẫn đến số bàn thắng tăng vọt. Theo thống kê, mùa giải 1925-1926 tại Anh ghi nhận số bàn thắng trung bình tăng khoảng 20%. Tuy nhiên, nó cũng thúc đẩy chiến thuật bẫy việt vị, với các hậu vệ dâng cao đồng bộ để bẫy tiền đạo đối phương vào vị trí việt vị.
Sửa đổi năm 1990
IFAB bổ sung quy định rằng một cầu thủ ở cùng vạch với cầu thủ đối phương thứ hai (thường là hậu vệ cuối cùng) hoặc bóng không bị coi là việt vị. Điều này giúp giảm tranh cãi khi các tình huống việt vị quá sát sao.

Sửa đổi năm 1995
Luật được làm rõ thêm về việc cầu thủ ở vị trí việt vị nhưng không tham gia vào tình huống (ví dụ: không ảnh hưởng đến hậu vệ hoặc thủ môn) sẽ không bị phạt. Quy định này nhằm khuyến khích lối chơi tấn công và giảm số lần thổi còi không cần thiết.
Sửa đổi năm 2005
IFAB giới thiệu khái niệm “can thiệp tích cực” (active involvement) để xác định rõ hơn khi nào một cầu thủ ở vị trí việt vị bị phạt. Một cầu thủ ở vị trí việt vị chỉ bị phạt nếu: Can thiệp vào lối chơi (nhận bóng hoặc ảnh hưởng đến tình huống); Ảnh hưởng đến đối thủ (cản trở tầm nhìn hoặc di chuyển của hậu vệ/thủ môn); Tận dụng lợi thế từ vị trí việt vị (ví dụ: nhận bóng từ tình huống bóng bật ra).
Quy định này làm giảm số lần thổi phạt việt vị, giúp trận đấu trở nên liên tục và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nó cũng gây tranh cãi vì tính chủ quan trong việc xác định “can thiệp tích cực“.
Thử nghiệm luật mới (2023-2024)
FIFA và IFAB đang thử nghiệm một phiên bản luật việt vị mới, gọi là “luật việt vị ngược” (Wenger Rule), theo đề xuất của cựu HLV Arsène Wenger. Theo đó, một cầu thủ chỉ bị coi là việt vị nếu toàn bộ cơ thể vượt qua hậu vệ cuối cùng, thay vì chỉ một phần cơ thể như hiện tại. Thử nghiệm này diễn ra tại các giải trẻ ở Italia, Thụy Điển, và Hà Lan, nhằm khuyến khích lối chơi tấn công hơn.
Nguồn: Bongdalu