Nếu bạn phải mô tả một thủ môn lý tưởng là người như thế nào, bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Thể lực, phản xạ, khả năng bắt bóng? Tất cả đều quan trọng, nhưng với vị trí cô độc nhất trên sân, chìa khóa của một thủ môn giỏi lại nằm ở bản lĩnh.
Một tiền đạo có thể bỏ lỡ cơ hội và vẫn được tha thứ. Một hậu vệ có thể mắc sai lầm và còn có người sửa sai phía sau. Nhưng với thủ môn – sai lầm đồng nghĩa với thảm họa, với trách nhiệm, với thất bại. Họ đứng tách biệt với phần còn lại, một mình đối mặt với áp lực, nỗi sợ, và sự kỳ vọng. Không phải ai cũng chịu được sức nặng ấy. Oliver Kahn thì khác.

“Thủ môn cần một chút điên”
Đó là cách chính ông miêu tả về vị trí của mình. Trên sân, Kahn là hiện thân của một “chiến binh thép”, người mang đến cảm giác an tâm tuyệt đối cho đồng đội, và nỗi khiếp sợ cho đối thủ.
Từ những ngày còn là thủ môn trẻ của Karlsruhe SC, Kahn đã cho thấy mình không phải người bình thường. Một đồng đội từng từ chối ở chung phòng vì sợ… bị bóp cổ khi ngủ. Với Kahn, bất cứ ai mang găng tay đều là đối thủ. Với sự ám ảnh đó, anh từng nói: “Tôi muốn chạm đến những quả bóng mà không ai có thể chạm tới.”
Năm 1994, Kahn chuyển đến Bayern Munich với mức giá kỷ lục cho một thủ môn thời điểm ấy. Tại đây, anh không chỉ giành danh hiệu, mà còn xây dựng nên một hình ảnh “quái thú” thực sự. Ai có thể quên cảnh anh lao vào cầu thủ Dortmund, làm động tác… cắn, rồi tung cú đá vào không khí như trong phim võ thuật? Hay hình ảnh máu chảy đầm đìa ở Freiburg, nhưng vẫn kiên quyết thi đấu đến phút cuối?
Không chỉ đối thủ, ngay cả đồng đội cũng sợ Kahn. Mehmet Scholl – người bạn thân thiết cùng quê Karlsruhe từng nói: “Tôi chỉ sợ hai thứ trên đời: chiến tranh và Oliver Kahn.”
Với Kahn, bóng đá là chiến trường, và anh là người thủ lĩnh sẵn sàng chết vì nhiệm vụ. Anh không ngại quát mắng đồng đội, ném găng tay, đấm cột dọc – nhưng chính tinh thần ấy đã thắp lửa cho Bayern.
Và phần thưởng lớn nhất đến vào năm 2001, khi anh cản phá 3 quả luân lưu giúp Bayern vô địch Champions League sau 25 năm chờ đợi. Khoảnh khắc anh gầm lên, ôm chặt quả bóng như muốn nuốt nó vào lòng, là biểu tượng cho một Kahn điên rồ, quyết liệt và vĩ đại.
Tại World Cup 2002,Kahn gánh trên vai một đội tuyển Đức tầm thường. Không Ballack (treo giò ở chung kết), không dàn sao lừng lẫy như các thế hệ khác. Chỉ có Kahn và niềm tin mơ hồ.
Và anh đã làm nên điều kỳ diệu – giữ sạch lưới 5/6 trận, cản phá hàng tá cú sút hiểm hóc để đưa Đức đến trận chung kết. Nhưng rồi, đúng vào thời khắc quan trọng nhất, anh mắc sai lầm duy nhất sau cú sút nhẹ của Rivaldo – để Ronaldo ghi bàn mở tỷ số. Sai lầm đó khiến Đức mất cúp.
Sau trận, Kahn ngồi tựa lưng vào cột gôn, một mình, lặng im. “Không có sự an ủi nào cả. Tôi chỉ phạm đúng một sai lầm trong 7 trận, nhưng phải trả giá. Đó là vị trí cô độc nhất trong bóng đá.”

Sau sân cỏ, là một Kahn khác
Thất bại tại World Cup 2002 là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Kahn. Nó khiến anh nhận ra: “Thắng không phải là tất cả. Nếu con đường khiến ta kiệt quệ, thì đó không còn là chiến thắng nữa.”
Sau này, khi bị đẩy lên ghế dự bị tại World Cup 2006 ngay trên sân nhà, Kahn không hề nổi giận. Ngược lại, anh bước đến, bắt tay Jens Lehmann trước loạt sút luân lưu với Argentina – người từng là đối thủ cạnh tranh suốt sự nghiệp với anh.
Đó không chỉ là cái bắt tay của hai thủ môn, mà là biểu tượng của một nhà vô địch thực sự – người sẵn sàng đặt cái tôi xuống vì đội bóng.
Hậu sự nghiệp, Kahn từ bỏ hình ảnh “Der Titan” để tìm lại chính mình. Anh học triết học, viết sách, trở thành chuyên gia truyền hình sắc sảo, và sau đó đảm nhiệm vai trò điều hành tại Bayern Munich. Con người từng gầm lên như sư tử trên sân cỏ, giờ trầm tĩnh, khôn ngoan và sâu sắc.
Khi được hỏi điều gì khiến anh nhớ nhất sau khi giải nghệ, Kahn đáp: “Được là một phần của tập thể. Ngoài điều đó ra, tôi không nhớ gì cả.”
Kahn – người gác đền không thể thay thế của tuyển Đức. Trong lịch sử bóng đá Đức, có thể có nhiều thủ môn vĩ đại: từ Sepp Maier, Bodo Illgner, Jens Lehmann cho đến Manuel Neuer. Nhưng với nhiều người, Kahn vẫn là số một.
Anh không may mắn như Maier hay Neuer khi thi đấu cùng những thế hệ vàng. Nhưng chính sự đơn độc ấy, lại khiến Kahn trở nên đặc biệt. Anh gánh đội, anh truyền lửa, anh gầm thét thay cho hàng thủ mỏng manh. Và cả khi ngồi dự bị, anh vẫn tạo ra ảnh hưởng.
Kahn là đội trưởng ngay cả khi không đeo băng đội trưởng. Là người thủ lĩnh không cần hét lớn, vì ánh mắt, sự hiện diện và khí chất của anh đã nói thay tất cả.
Kahn không chỉ là một thủ môn vĩ đại – anh là biểu tượng của sự quả cảm, là minh chứng cho việc thành công không đến từ tài năng đơn thuần, mà là ý chí, sự điên rồ tích cực và khả năng đứng dậy từ thất bại.
Anh là người trấn giữ khung thành bằng cả trái tim và tinh thần thép. Một huyền thoại sống – không chỉ của tuyển Đức, không chỉ của Bayern, mà là của cả lịch sử bóng đá thế giới.
Ngày Kahn rời xa sân cỏ, bóng đá mất đi một chiến binh, nhưng thế giới có thêm một biểu tượng. Một huyền thoại không cần ánh đèn sân khấu, bởi tên anh đã được khắc vào lịch sử bằng máu, mồ hôi và sự can trường.
Oliver Kahn – người trấn giữ khung thành của cả một thế hệ. Người mà nước Đức, và cả thế giới bóng đá, sẽ mãi không thể quên.
Nguồn tin: Bongdalu