Trong thế giới bóng đá hiện đại – nơi tốc độ, năng lượng và sự bùng nổ thường được xem là tiêu chuẩn đánh giá tài năng – có một cầu thủ đã khẳng định vị thế của mình theo cách ngược lại hoàn toàn.
Virgil van Dijk, trung vệ trứ danh của Liverpool, không cần la hét để truyền cảm hứng, không cần những cú xoạc quyết liệt để khẳng định uy quyền. Anh lãnh đạo bằng sự điềm tĩnh, bằng ánh mắt, bằng những bước di chuyển chính xác như được lập trình. Nhưng ít ai biết, thứ tạo nên phong thái đĩnh đạc ấy từng bị hiểu nhầm là… lười biếng.

Tuổi thơ không ồn ào nhưng đầy thử thách
Van Dijk bắt đầu hành trình bóng đá của mình tại học viện Willem II – một cái tên khiêm tốn trong bản đồ bóng đá châu Âu nhưng là nơi lưu giữ những ký ức sâu đậm nhất của anh. Khi còn là một cậu bé 10 tuổi, Van Dijk đã gây ấn tượng bởi vóc dáng cao lớn và khả năng phòng ngự bản năng, nhưng đồng thời, anh cũng thường xuyên bị các HLV đánh giá là thiếu quyết tâm, thậm chí… chậm chạp.
Tuy nhiên, sự thật nằm ở phía sau hậu trường. Cha mẹ Van Dijk ly hôn từ khi anh còn nhỏ, và cậu bé Virgil đã sớm gánh vác trách nhiệm chăm sóc hai đứa em. Những lần đến muộn trên sân tập không phải do lười biếng, mà là vì cậu phải lo bữa trưa, đưa đón em đến trường rồi mới tất tả lên xe buýt tới sân. Có lần, chỉ vì em trai muốn ăn bánh mì bơ đậu phộng, Van Dijk phải chạy ra siêu thị mua đồ và lỡ luôn chuyến xe.
Jan van Loon, người sau này trở thành giám đốc học viện, chính là người đầu tiên nhận ra sự “lặng lẽ đáng nể” bên trong cậu bé này. Ông kể lại: “Khi bạn lắng nghe đủ lâu, bạn sẽ thấy Van Dijk không viện cớ – cậu ấy giải thích rõ ràng, mạch lạc, và luôn thể hiện trách nhiệm. Chính điều đó khiến tôi tin tưởng.”
Trên sân, Van Dijk không bao giờ là người ồn ào. Ngay cả khi đối đầu với những tài năng trẻ xuất sắc nhất của Ajax, anh vẫn giữ một phong thái bình thản: không la hét, không tỏ vẻ lo lắng – nhưng hoàn toàn kiểm soát tình hình.
Chính sự im lặng ấy lại khiến nhiều HLV trẻ đánh giá sai về cậu. Họ cho rằng anh thiếu lửa chiến đấu. Thế nhưng, với những ai đủ tinh tế, đó không phải là sự hời hợt – mà là một dạng trưởng thành sớm, một cách phản ứng bằng lý trí thay vì cảm xúc. Van Dijk, ngay từ tuổi thiếu niên, đã hiểu rằng không cần gầm lên để trở thành người dẫn đường.
Khi được trao cơ hội đá cho đội U19 và chuẩn bị bước lên đội dự bị của Willem II, Van Dijk gặp rắc rối vì chưa hoàn thành bài tập ở trường – một yêu cầu bắt buộc tại học viện. Thay vì phó mặc, anh chủ động nhờ bạn bè giúp đỡ, không phải để gian lận, mà để kịp hoàn thiện. Giáo viên hiểu, bạn bè sẵn sàng hỗ trợ. Nhờ đó, cậu bé 17 tuổi ấy không bỏ lỡ cơ hội quan trọng nhất lúc bấy giờ.
Van Loon gọi điều đó là “bản năng tạo dựng mạng lưới”. Van Dijk biết cách chọn đúng người, xin đúng lời khuyên, và không ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp. Khả năng này sau này trở thành chìa khóa để anh làm chủ phòng thay đồ của một CLB hàng đầu như Liverpool.

Một bước ngoặt sinh tử và sự tái sinh mạnh mẽ
Không phải mọi cầu thủ đều trải qua thời khắc đối mặt với sinh tử. Nhưng Van Dijk thì có. Ở tuổi 20, khi đang bước vào mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên tại FC Groningen – sau khi rời Willem II do không được tin tưởng – anh bất ngờ đổ bệnh nặng.
Ban đầu là đau bụng, sau là chẩn đoán sốc: viêm ruột thừa cấp, biến chứng sang viêm phúc mạc và nhiễm trùng thận. Anh phải phẫu thuật ngay lập tức và ký cả đơn… chia tài sản trong trường hợp tử vong.
Vượt qua cơn thập tử nhất sinh, Van Dijk trở lại mạnh mẽ. Không ai ở Hà Lan thật sự chú ý đến sự trở lại ấy, nhưng Celtic thì có. CLB Scotland đưa anh về với mức phí chỉ 2,5 triệu bảng – và phần còn lại là lịch sử.
Chỉ mất vài ngày để HLV Neil Lennon của Celtic nhận ra rằng Van Dijk là một viên ngọc quý. Ông nói: “Tôi bảo cậu ấy, hãy tận hưởng thời gian ở đây – vì cậu sẽ không ở lại lâu đâu.”
Thật vậy, với hai chức vô địch giải quốc nội, một Cúp quốc gia và màn trình diễn thuyết phục ở châu Âu, Van Dijk bước vào radar của những ông lớn Premier League. Cuối cùng, anh chọn Southampton, nơi giúp anh tiếp cận bóng đá Anh ở đẳng cấp cao hơn.
Tháng 1/2018, Liverpool phá kỷ lục thế giới để mang Van Dijk về với mức phí 75 triệu bảng. Người ta cười nhạo, gọi đó là sự “thổi giá” chưa từng thấy cho một trung vệ. Nhưng chỉ sau vài tháng, tất cả phải im lặng. Từ chỗ bị xem là “cầu thủ có xu hướng lười biếng”, Van Dijk trở thành biểu tượng phòng ngự hiện đại: điềm tĩnh, hiệu quả, và gần như không thể bị vượt qua.
Anh cùng Liverpool vô địch Champions League, Premier League, Club World Cup, và nhiều danh hiệu lớn khác. Anh đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu năm 2019, và về nhì trong cuộc đua Quả bóng vàng, chỉ sau Lionel Messi.
Câu chuyện của Van Dijk không đơn giản là hành trình từ nghèo khó tới vinh quang. Đó là minh chứng cho một kiểu thành công không ồn ào: thành công đến từ việc hiểu bản thân, kiên trì âm thầm và phản ứng bằng hành động hơn là lời nói.
Trong thế giới bóng đá, nơi tiếng gầm thường át đi tiếng thì thầm, Van Dijk chọn làm người lặng lẽ – nhưng tiếng vang mà anh để lại thì không ai có thể phủ nhận.
Nguồn tin: Bongdalu