Dư luận nước Anh đang dậy sóng khi Phil Foden trở thành mục tiêu của những lời hô hào miệt thị liên quan đến mẹ anh tại sân Old Trafford.
HLV Pep Guardiola đã gọi những lời lẽ đó là “đáng xấu hổ”. Guardiola cho biết các bài hát nhắm vào Foden phản ánh một vấn đề rộng lớn hơn trong bóng đá hiện đại và nội bộ Manchester City đã bị sốc trước những lời lẽ đó và số lượng lớn CĐV chủ nhà tham gia vào.
Tổ chức từ thiện chống phân biệt đối xử “Kick It Out” khẳng định: “Phân biệt giới tính không phải là trò đùa” sau khi những bài hát miệt thị nhắm vào mẹ của Phil Foden. Giám đốc điều hành tổ chức Kick It Out là Hollie Varney, chia sẻ với BBC Sport: “Chúng tôi đã chứng kiến nhiều vụ việc phân biệt giới tính và thù ghét phụ nữ dưới dạng những bài hát tập thể trên khán đài trong bóng đá nam mùa này, nhưng phản ứng từ giới bóng đá thường quá yếu ớt.
Phân biệt giới tính không phải là ‘đùa vui’. Khi những lời lẽ đó vang vọng khắp sân vận động, không chỉ ảnh hưởng tới các cầu thủ hoặc người bị nhắm đến, mà còn tạo ra một môi trường khiến phụ nữ cảm thấy không an toàn hoặc không được chào đón”.
FA đấu tranh vì fair-play nhưng bất lực
Tuy nhiên, LĐBĐ Anh (FA), theo điều lệ của mình, sẽ không có hành động gì với Manchester United liên quan đến những bài hát đó – vốn vang lên suốt hiệp một của trận hòa không bàn thắng và cả khi tiền đạo Foden của Man City rời sân ở phút 57.

Quy định của FA cấm hành vi hát hò lăng mạ và phân biệt đối xử từ phía CĐV. Điều E20 của FA quy định các CLB có trách nhiệm đảm bảo người hâm mộ của mình “không có hành vi sai trái“, bao gồm cả những hành vi có “ý ám chỉ hoặc công khai liên quan đến: nguồn gốc dân tộc, màu da, chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo hoặc tín ngưỡng, giới tính, chuyển giới, khuynh hướng tình dục hoặc khuyết tật“.
FA cho biết họ sẽ điều tra mọi cáo buộc liên quan đến hành vi phân biệt đối xử của CĐV. Các quy định cũng nêu rõ một CLB có khả năng sẽ bị kỷ luật nếu có “đủ bằng chứng về hành vi hô hào phân biệt đối xử tập thể”. Trong những năm gần đây, FA đã siết chặt các hành vi hát hò liên quan đến thảm họa, phân biệt chủng tộc và kỳ thị đồng tính. Các CLB đã bị phạt tiền, và một số CĐV còn bị cấm đến sân hoặc bị truy tố hình sự.
Năm 2023, Viện công tố Hoàng gia Anh (CPS) đã cập nhật hướng dẫn về các hành vi phạm luật trong bóng đá, trong đó xác nhận rằng các bài hát liên quan đến thảm họa có thể bị truy tố theo luật gây rối trật tự công cộng. Hướng dẫn này cũng bao gồm cả các tội ác thù ghét như kỳ thị đồng tính, phân biệt chủng tộc và xâm nhập sân thi đấu.
Vậy tại sao FA không hành động trong trường hợp này?
FA không xử lý tất cả các bài hát phản cảm. Ví dụ: họ không truy tố CLB Millwall sau khi một số CĐV đội này hô vang “để nó chết đi” nhằm vào tiền đạo Jean-Philippe Mateta của Crystal Palace khi anh đang được chăm sóc chấn thương đầu trong trận đấu FA Cup gần đây. FA lên án những bài hát đó, nhưng cho biết chúng không vi phạm quy định.
Vợ của Jamie Vardy là Rebekah Vardy cũng từng là mục tiêu của những bài hát xúc phạm sau vụ kiện “Wagatha Christie“, còn tiền vệ Bruno Fernandes của Manchester United gần đây cũng bị xúc phạm liên quan đến ngoại hình.
Có một quan điểm cho rằng nếu FA xử lý mọi bài hát khó nghe, họ sẽ phải truy tố các CLB sau gần như mỗi trận đấu. Mỗi trường hợp sẽ được đánh giá riêng, nhưng cảm nhận chung là phải ở mức độ nghiêm trọng thì FA mới có thể đưa ra cáo buộc, vì cơ hội thành công thường khá thấp.
Trong trường hợp này, theo quy định của FA, bài hát về mẹ của Foden sẽ bị xem là phân biệt đối xử nhắm vào… một nữ cầu thủ. Thế nhưng, vì nạn nhân không phải người tham gia trận đấu, nên quy định không được áp dụng.
Không thể chấp nhận – nhưng lại bị coi là “một phần của bóng đá”?
Manchester United không bình luận công khai về vụ việc nhưng ngầm thừa nhận rằng các bài hát đó là không thể chấp nhận. Giám đốc điều hành tổ chức Kick It Out là Hollie Varney nói: “Các CLB có quyền hành động. Dù bằng cách cấm CĐV đến sân, phạt tiền hay giáo dục, thì vẫn có thể và nên thực hiện hành động răn đe. Nếu không, việc giải trình thiếu trách nhiệm sẽ tiếp tục làm xói mòn niềm tin.
Nghiên cứu gần đây của chúng tôi cho thấy 85% phụ nữ từng chứng kiến hoặc trải qua phân biệt giới tính trong môi trường bóng đá đã không báo cáo sự việc, vì họ không tin rằng điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt hoặc được lắng nghe”.
Tuy nhiên, một số người vẫn cho rằng những bài hát xúc phạm là “một phần của bóng đá”. Cựu tiền đạo Troy Deeney nói trên talkSPORT: “Đáng buồn là đó là một phần của bóng đá, nó như vậy đấy. Tôi đã nghe người ta xúc phạm con cái tôi, vợ tôi, nói chung là đủ cả.
Tôi hiểu quan điểm của Pep, nhưng đây là một trận derby, cảm xúc rất mạnh, và đó là một phần của bóng đá. Chúng ta không nên đồng tình với điều đó, nhưng nó đã tồn tại từ thuở sơ khai Gianfranco Zola từng nói với tôi: ‘Chúng ta được người hâm mộ trả tiền để không có cảm xúc’”.
Nguồn: Bongdalu